Tôi Là Con Kỳ Nhông Axolotl

nhong-axolotl-khung-long-6-sung-tphcm


TÔI ĐÃ LÀ CON KỲ NHÔNG NƯỚC




Đêm hôm trước ngày về Việt Nam, tôi đọc truyện “Axolotl” của Julio Cortázar. Theo như trong câu truyện thì hình dạng của con vật này lạ quá, tôi chưa bao giờ biết đến. Tôi hỏi con trai tôi:

“Con có biết con Axolotl là con gì không?”

“Là một loại cá mẹ à, nhưng nó giống như con kỳ nhông axolotl - khủng long sáu 6 sừng vậy.”

Tôi im lặng, tưởng tượng về con vật này, và chìm vào giất ngủ lúc nào không hay.

Sáng hôm sau, trên đường đến phi trường Sydney, chúng tôi nghe tin tức trên đài ABC, họ cho biết ngày hôm qua có một chiếc thuyền chở 85 thuyền nhân từ Hải Phòng - Việt Nam đến đảo Christmas Island.

Người tài xế taxi da đen (tôi đoán ông ta là người Nam Phi) nói:

“Tôi vẫn thường nghe tin các thuyền nhân Việt Nam đến Úc xin tỵ nạn. Việt Nam đã chấm dứt chiến tranh gần 40 năm rồi mà cuộc sống ở đó vẫn chưa ổn định hay sao? ”

“Tôi nghĩ vậy”, tôi trả lời, “vì nếu người ta có một cuộc sống tự do, hạnh phúc thì chẳng ai rời bỏ quê hương mình để ra đi cả. Trốn chạy bằng thuyền là một cách ra đi rất nguy hiểm, đã có nhiều trăm ngàn người chết trên biển, nhưng họ vẫn không sợ, sẵn sàng đổi mạng sống để ra đi, phải có một lý do rất nghiêm trọng nào đó. Chúng ta đang sống tại Úc, có ai muốn trốn thoát khỏi đất nước này? Và tôi nghĩ rằng ông cũng đã có một lý do chính đáng nào đó để rời đất nước của ông mà đến đây.”

Nước Úc là mục tiêu để dân chúng của các nước ở Châu Á và Trung Đông đến tị nạn. Một số người Úc chống đối việc chính phủ tiếp nhận những người dân tị nạn này, họ cho rằng những người tị nạn đến làm cho đời sống của người dân Úc khổ hơn. Chính phủ Úc đang tìm biện pháp để giải quyết vấn đề người tị nạn, và đã có rất nhiều cuộc tranh luận xảy ra. Tôi thì nghĩ rằng nước Úc có đất rộng, tài nguyên nhiều. Nước Úc có một chính sách về an sinh xã hội tốt, mọi người nơi đây chia sẻ, nương tựa vào nhau và cùng có một cuộc sống tốt đẹp. Tôi ủng hộ việc chính phủ đón nhận những người tị nạn và tìm cách để giúp họ ổn định cuộc sống tại đây.

Chúng tôi đã im lặng sau đó. Câu chuyện “Axolotl” của Julio Cortázar lại kéo đến trong đầu tôi, nó ám ảnh tôi, và tôi đã biến thành một con kỳ nhông nước. ‘Bằng sự cẩn trọng tuyệt đối, đã có 85 con kỳ nhông nước trốn thoát khỏi cái bể nước kia. Các bạn đã có được một cơ hội để hoá thân, hãy đến đây cùng sống với chúng tôi trên mảnh đất hiền hoà, bình an và tự do này’, tôi thầm thì với những con kỳ nhông nước đang trong thời kỳ lột xác đó.

* Trong suốt chuyến bay tôi đã không ngủ, tôi đã say sưa xem phim tài liệu về những thắng cảnh tại Việt Nam, lòng tôi náo nức vì tôi sắp được gặp gia đình và các bạn bè thân quen.

Khi đến phi trường Tân Sơn Nhất, trong lúc chờ làm thủ tục nhập cảnh, tôi đứng trước một người công an cửa khẩu. Ánh mắt anh ta lạnh lùng nhìn xoáy vào gương mặt tôi đã nhắc nhở tôi rắng tôi phải là một con kỳ nhông nước như tất cả những người đang sống tại đây. Tôi hồi hộp chờ đợi anh ta kiểm tra giấy tờ, vì biết rằng không phải ai cũng có thể được vào nước Việt Nam dù chỉ là để du lịch hoặc thăm gia đình. Cho đến khi anh ta cầm khuôn dấu đóng vào hộ chiếu, ký tên, đưa lại hộ chiếu cho tôi rồi ra dấu cho tôi bước vào phía bên kia bục gỗ chỗ anh ta đang ngồi, tôi mới thở phào nhẹ nhõm ‘mình được phép vào Việt Nam, để đồng hoá với mọi người, từ giờ phút này mình bắt đầu thực sự là một con kỳ nhông nước’.

Mọi thủ tục tiến hành nhanh chóng. Phi trường Tân Sơn Nhất bây giờ ngăn nắp, trật tự hơn trước kia, không thấy cảnh chen lấn xô đẩy nhau nữa. Chờ tại phi trường Tân Sơn Nhất vài giờ, chúng tôi đổi chuyến bay đi Đà Nẵng.


* Bạn tôi đưa chúng tôi đi vòng quanh thành phố Đà Nẵng, một thành phố có nhiều cầu. Trong khoảng 11km từ sông Hàn đến sông Cẩm Lệ rồi ra biển, có đến mười cây cầu bắt ngang qua sông. Tôi ngạc nhiên hỏi bạn tôi: “Cầu nhiều vậy nhưng vẫn bị kẹt xe hay sao mà hội đồng thành phố còn làm thêm cầu Rồng?” Bạn tôi chỉ cười nói rằng Cầu Rồng là một kiến trúc mới, rất công phu và tốn kém; màu vàng của nó nổi bật lên trong lòng thành phố Đà Nẵng. Cô ấy nói rằng đúng ra thì cái đầu của Cầu Rồng sẽ phải cao hơn, nhưng vì đầu rồng nặng, không chịu nổi gió lớn cho nên phải làm thấp xuống, ngang hàng với đuôi của nó. Những cây cầu cũ, dù vẫn còn dùng được nhưng không dùng đến nữa. Tôi lại nghe tiếng thì thầm trong đầu tôi ‘những con kỳ nhông nước không có sự trao đổi thông tin, tất cả đều đã rõ, phải hiểu như thế’, và tôi im lặng ngắm cảnh hai bên đường.

Sáng sớm hôm sau gia đình tôi đi biển chơi. Bờ biển sạch sẽ, yên tĩnh, chỉ nghe tiếng của những cái loa phóng thanh. Con gái tôi nhìn những cái loa treo trên những trụ sắt cao, ngạc nhiên hỏi:

“Mẹ ơi, họ để loa phóng thanh ở đây để làm gì vậy?”

“À, cho mọi người nghe tin tức và nhạc từ đài phát thanh của thành phố.” Tôi trả lời.

“Lạ thật mẹ à, họ không thấy vậy là làm phiền mọi người sao? Ai muốn nghe gì thì họ nghe chứ!”

Tôi mỉm cười, nhìn vào mắt con tôi, trả lời vắn tắt:

“Ở đây khác với nơi mình sống con à. Vào năm 1975, khi cộng sản vào miền Nam, nơi mẹ sống bắt đầu có những cái loa treo lên khắp các góc đường phố. Nơi nào trong thành phố mọi người cũng nghe cùng một tin tức và những bài hát như nhau”.

“Mọi người ở đây dễ chịu quá hở mẹ, hoặc là họ không thích có sự lựa chọn?”

“Có lẽ họ quen với điều này rồi con à.”

Rồi tôi im lặng. ‘Ở đây những cái loa nói thay cho những con kỳ nhông nước. Những con kỳ nhông nước có cách lựa chọn của chúng qua sự im lặng’, tôi nghe tiếng thì thầm trong đầu tôi, tôi muốn nói cho con gái tôi tiếng thì thầm này, nhưng lại thôi, vì làm sao nó hiểu được điều tôi muốn nói khi mà nó không là một con kỳ nhông nước?

Chúng tôi đi thăm khu phố cổ Hội An. Dọc hai bên đường là những ngôi nhà xưa còn mái ngói âm dương đóng rêu xanh. Chủ nhà là những người lặng lẽ, họ không đon đả nói cười như ở những khu phố khác. Tôi được nghe giải thích, loại ngói này có hình cong mặt trụ. Khi xếp ngói lên các thanh đỡ trên mái nhà thì một hàng ngói được xếp ngửa gọi là hàng âm và một hàng ngói được xếp úp gọi là hàng dương, hai hàng ngói gối lên nhau làm cho nước mưa trôi xuống dọc theo hàng ngói âm, không chảy vào nhà. Đứng phía dưới nhìn lên, ta chỉ thấy các hàng ngói dương gồ lên chạy song song theo chiều dốc xuống. Cửa chính của mỗi căn nhà đều được làm bằng gỗ, có chạm trổ rất tinh vi. Bên trên khung cửa chính có đôi mắt, gọi là đôi mắt cửa. Người dân nơi đây quan niệm rằng con người và mọi con vật đều có mắt để nhìn bên ngoài và bên trong lòng mình. Ngôi nhà như một người mẹ hiền, che chở đùm bọc cho những người con sống trong lòng mẹ, vì vậy mà ngôi nhà cũng có linh hồn, nó cũng cần có đôi mắt. Mỗi nhà trang trí đôi mắt cửa một cách khác nhau, thể hiện một cách nhìn, một tâm hồn khác nhau. ‘Con kỳ nhông nước có thể hiểu và thông cảm với những ý nghĩ sâu thẳm và bí mật của đôi-mắt-cửa, chúng ta cùng có những đôi mắt không có tròng đen, không có con ngươi và không có mí; và chúng ta cũng có những nỗi buồn và sự chịu đựng như nhau’, tôi nghe tiếng thì thầm trong đầu tôi khi tôi nhìn vào những đôi mắt cửa.

Đến một cửa tiệm trưng bày các sản phẩm trầm hương rất đẹp, tôi đã vô cùng thích thú vì đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy tận mắt cây trầm, dù tôi đã được sinh ra và lớn lên tại Nha Trang — xứ Trầm Hương. Cô tiếp viên giải thích rằng trầm hương là do cây dó bầu sinh ra. Khi cây bị thương, chất dầu trong cây tụ lại để đề kháng sự nhiễm bệnh từ bên ngoài. Chất dầu đọng lại đó dần dần biến thành trầm. Những cây dó bầu có trầm thường bị xơ xác và thân có u, bướu vì bị sâu đục, hoặc bị những mảnh bom đạn găm vào, hoặc bị sấm sét đánh gãy cành. Tôi được biết ở đây người ta đã kích thích cây dó bầu để tạo ra trầm hương. Người ta khoan vào thân cây dó bầu rồi tiêm vào đó một hỗn hợp hoá học. Khoảng sau 4 năm, nếu may mắn, nhựa cây nơi đó sẽ có mùi thơm của trầm. ‘Phải trải qua những lần bị vùi dập, bị thương tích, một cây dó bầu không có một giá trị gì đặc biệt mới biến thành một cây trầm hương. Con kỳ nhông nước cũng phải trải qua những lúc khó khăn, đau khổ để rồi sẽ được hoá thân thành người’, tôi nghe tiếng thầm thì trong đầu tôi.


* Về thăm thành phố Nha Trang, quê hương của gia đình và bạn bè thân thiết của tôi, tôi thấy mọi người đều khoẻ mạnh, vui vẻ. Tôi không nghe ai than thở một điều gì. Hơn 20 năm trước, khi chúng tôi còn sống chung với ba mẹ chồng tại Nha Trang, sáng sớm tôi thường thấy ba chồng tôi nghe đài BBC, ban đêm ông nghe đài VOA, nhưng bây giờ ông không còn nghe những đài đó nữa. Sáng sớm ba mẹ chồng tôi tập thể dục theo một chương trình trên ti-vi, sau đó thì ông xem phim hoặc nghe tin tức từ đài truyền hình của thành phố. Các chị em trong gia đình và các bạn, không ai nói đến chuyện thời sự của đất nước hoặc của thế giới. Mọi người dường như bàng quan với thời cuộc và những chuyện liên quan đến chính trị, hoặc là họ không muốn bàn đến.

Tôi cũng hoà vào với cuộc sống này, chỉ cười và nói những chuyện vui, xem như cuộc sống nơi đây là hoàn toàn yên ổn và thoải mái, không có một điều gì để lo lắng cả. ‘Những con kỳ nhông nước đã quen với hoàn cảnh hiện tại, hãy nhìn sâu vào những đôi mắt của chúng để thấy được nỗi khổ đau sâu thẳm của chúng. Những con kỳ nhông nước có khả năng chịu đựng và tính cẩn trọng rất cao’, tôi lại nghe tiếng thì thầm trong đầu tôi.

Cặp vợ chồng cô em chồng tôi và các con trai của cô ấy chuẩn bị vào Sài Gòn để phóng vấn và khám sức khoẻ để đi định cư tại Mỹ — một cuộc đoàn tụ với gia đình phía bên chồng của cô ấy sau 10 năm chờ đợi xét duyệt hồ sơ và được chấp thuận. Đây là một tin vui cho tất cả mọi người trong gia đình và bạn bè thân quen.

“Cô N. có nhà cửa, mọi người trong gia đình cô ấy có công việc làm, khi đi qua Mỹ phải bắt đầu lại tất cả, đó là một chuyện rất khó, tại sao gia đình cô ấy rời Việt Nam qua Mỹ sống là một tin vui hở mẹ?” Con gái tôi hỏi.

“Dù là có cuộc sống ổn định như vậy nhưng mọi người cho rằng qua Mỹ định cư để cho các em có tương lai.” Tôi nói.

“Một em ở đây cũng đã tốt nghiệp đại học, còn một em thì đang học đại học, có gì khác nhau với đại học bên này và bên Mỹ hở mẹ?”

“Có khác nhiều đó con, về trình độ chuyên môn. Vả lại, ở Mỹ sẽ có nhiều cơ hội hơn để các em học hỏi và phát triển khả năng của chúng, và hơn nữa chúng sẽ có được một cuộc sống tự do.”


Con gái tôi im lặng, nó đã hiểu được lý do vì sao mà gia đình cô nó rời Việt Nam đi định cư tại Mỹ là một tin vui.

* Trước khi về Việt Nam, chúng tôi đã liên lạc với gia đình bên nhà để tổ chức cùng nhau đi Đà Lạt chơi. Tôi muốn chúng tôi và gia đình bên Việt Nam có kỷ niệm vui với nhau, và tôi cũng muốn đưa các con tôi đến đó để giới thiệu cho chúng một thành phố đẹp của đất nước tôi. Nhưng lạ thay trong lòng tôi có một nỗi nôn nao gì đó rất khó tả, một cảm giác hồi hộp như tôi sắp đi gặp một người thân thương. Tôi mong đến ngày đi Đà Lạt.

Chuyến xe du lịch đưa gia đình chúng tôi đến Đà Lạt. Trời mưa không nặng hạt nhưng lại lê thê không dứt. Dù vậy gia đình chúng tôi vẫn đi viếng vài nơi.

Đến Trúc Lâm Viên, trong lúc đang ngắm những cây cảnh nhỏ có dáng cổ thụ trồng trong chậu thì tôi nghe cháu tôi nói:

“Mợ ơi, con vừa xem con khủng long 4 chân 6 sừng ở phòng bên cạnh.”

“Con khủng long? Hình vẽ hở con?” Tôi hỏi.

“Không phải hình vẽ mợ à, nó ở trong hồ cá.”

“Vậy sao, để mợ qua xem với.”

Tôi bước qua phòng bên cạnh, ở góc phòng có một hồ nuôi cá. Tôi nghe tiếng con trai tôi nói:

“Mẹ ơi, nó là con Axolotl mà mẹ hỏi con hôm trước.”


Một cảm giác lạnh buốt từ xương sống chạy đến đỉnh đầu. Một cuộc gặp gỡ kỳ lạ. Có phải những con kỳ nhông nước này đã khiến cho tôi muốn đưa gia đình đi Đà Lạt chơi để tôi và chúng nó được gặp nhau? Tôi đến sát bên hồ cá, nhìn vào hai con kỳ nhông nước nằm bất động dưới đáy hồ. Hồ rộng nhưng chúng nằm sát nhau như để nương tựa nhau. Giờ đây tôi được ở bên chúng, nhìn ngắm chúng bằng da bằng thịt. Tôi nhìn sâu vào đôi mắt của chúng. Tôi biết chúng cũng đang nhìn tôi và biết rằng tôi đang ở đó. ‘Tôi đang đến với các bạn, mong rằng tôi có thể mang đến cho các bạn một niềm vui nào đó. Tôi đã từng là một con kỳ nhông nước và rồi tôi đã có cơ hội để hoá thân. Giờ đây tôi lại đang là một con kỳ nhông nước như các bạn, tôi hiểu tất cả những ý nghĩ trong sâu thẳm trái tim của bạn, tôi biết những ước vọng của bạn. Tôi không thể làm gì để cứu được các bạn ra khỏi hồ nước tăm tối này. Những điều tôi muốn truyền đạt với các bạn chỉ là những hy vọng...’ Tôi thì thầm với chúng. Tôi muốn ở lại với chúng lâu hơn, tôi muốn chia sẻ tất cả những nỗi khổ của chúng, tôi muốn làm một chiếc máy ghi âm để ghi lại tất cả những lời tâm sự mà chúng đã mang nặng trong lòng nhưng không được quyền nói, nên chúng đành giữ im lặng. Tôi muốn làm một điều gì đó để giúp chúng trút hết tất cả những nỗi buồn của chúng, nhưng tôi biết mình bất lực.

* Ở các nơi tôi đến — Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, Sài Gòn — tôi đã đi thăm các bạn của tôi. Chúng tôi — những con kỳ nhông nước — đã vui với nhau trong im lặng. Bằng ánh mắt, chúng tôi đã trao đổi được tất cả những gì chúng tôi muốn nói. Những lúc chúng tôi ở bên nhau đã biến thành bất diệt trong lòng mỗi người chúng tôi.

Kính Bút !

0 nhận xét: